SUY NIỆM:
Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống. Tuyên xưng đức tin không những là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ.
Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa. Được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được tha”. “Ta cũng không kết án con”. Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh. Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ. Vào cuối đời, Đức Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được thanh tẩy thêm.
Ước gì Bí tích giải tội mà chúng ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực, bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
SUY NIỆM MỖI NGÀY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét