“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng là đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua cửa đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt. 7, 13-14)
Những cánh cửa khép kín Ta nghĩ đến cái gì khi nghe Phúc âm nói về cửa hẹp? Có lẽ ta cho đó là chuyện chẳng có gì đáng “tếu”, đáng phấn khởi cả. Trong đầu óc ta, đó là những tiếng gợi nên cảnh nhiệm nhặt, khổ chế, những điều răn, thập giá và đau khổ. Trong tất cả những điều này, chẳng có gì làm cho ta ham sống cả. Một phần nào đó cũng giống như muốn qua cửa hẹp, thì trước tiên là phải lo đóng chặt các cửa chung quanh, phải bận tâm nhiều đến những điều cấm đoán, phải thường xuyên ở thế phòng thủ, phải luôn luôn canh chừng để khỏi rơi xuống hố sâu vực thẳm. Như vậy thiết tưởng cửa hẹp là một cái vòng xiềng cổ, là cái áo bó chặt vào người, là con đường khúc khuỷu gập ghềnh chẳng có nhiều ánh sáng, niềm vui sống và tự do. Những cánh cửa mở rộng Nghĩ tưởng như vậy đúng là không biết đánh giá cao điều Chúa Giêsu đề nghị cho ta. Để tỏ ra công bằng đối với Chúa, khĩ nghĩ đến cửa hẹp, thiết tưởng ta phải nghĩ nhiều đến những cánh cửa rộng mở hơn là những cánh cửa khép kín. Chúa Giêsu chẳng phải là con người dập tắt niềm vui, sự sống và tự do. Và chính cửa hẹp Chúa nói đến ở đây, sẽ đưa ta tới đó. Nếu Chúa Giêsu có mời gọi ta sống nhiệm nhặt khắc khổ, chính là để nếp sống ấy đưa ta tới nguồn vui. Chúng ta sẽ phải đau khổ, nếu Chúa không giấu ta điều đó, chính là để nói với ta rằng hạnh phúc đang chờ ta ở cuối đoạn đường. Nếu Người thúc ép ta vác thập giá mình, chính la để dẫn ta đến sự sống.
Thế nên cửa hẹp được gọi là tình yêu thương, sự hiến thân, đức công bình, sự tha thứ lỗi lầm, lòng quảng đại, nhân từ, dịu hiền. Cửa hẹp này mở rất rộng rãi hướng về một thế giới tuyệt vời; thế giới chan hòa tự do và hoan lạc này chỉ mình Thiên Chúa mới có thể vun trồng ở thâm sâu của lòng ta.
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét