CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66)
Chủ đề: BIẾN ĐỔI TỪ THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG
“Người đã hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8)
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu Tuần Thánh, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó là một sự biến đổi tận căn: từ thập giá đến vinh quang.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 50,4-7)
Trong sách Ngôn sứ Isaia có 4 Bài ca về Người Tôi Trung (Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; và 52,13-53,12).
Bài đọc I hôm nay là một phần của Bài ca thứ ba, trình bày chân dung của Người Tôi Trung này qua ba khía cạnh, đó là: dùng Lời để nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức; luôn lắng nghe và thi hành ý Chúa; đồng thời vì Dân, ông nhẫn nhục chịu đựng những khổ đau và khinh khi hành hạ từ những người không đón nhận lời răn dạy của Thiên Chúa. Đây là chân dung đích thực của một vị ngôn sứ, của một người môn đệ Đức Chúa và nhất là của chính Đức Giêsu. Có Thiên Chúa ở cùng, “người của Thiên Chúa” sẽ an lòng và có can đảm để chu toàn ơn gọi và sứ vụ được giao phó
2. Bài đọc II ( Pl 2,6-11)
Bài thánh ca trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê cho thấy một sự thay đổi tận căn nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu. Bài thánh ca phác thảo hai chặng đường ngược chiều, nhưng nối kết với nhau mà Đức Giêsu đã đi qua: tự hạ mình và được Thiên Chúa siêu tôn. Quả thật, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã tự nguyện hạ mình đến tột cùng đau khổ khi làm thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, chịu chết trên thập giá như một tội nhân. Chính vì thế, Người đã được Thiên Chúa siêu tôn lên tới tột đỉnh vinh quang khi tặng được ban Danh hiệu trổi vượt mọi danh hiệu, đến mức mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải tôn phục và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa. Sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu Kitô kéo theo sự biến đổi của nhân loại. Chính lúc được siêu tôn này, Đức Giêsu Kitô sẽ kéo mọi người lên cùng Người.
3. Bài Thương Khó (Mt 26,14‒27,66)
Tất cả các Tin Mừng đều thuật lại giai đoạn cao điểm của sứ vụ Đức Giêsu, đó là chịu khổ nạn, chết và phục sinh. Biến cố này đã làm thay đổi toàn diện các tình trạng và thái độ những nhận vật có liên quan; đồng thời kéo theo hệ quả, đó là một sự biến đổi tận căn từ biến cố thập giá Đức Giêsu.
Cuộc thương khó tỏ cho chúng ta thấy rằng: là con người, Đức Giêsu cũng khắc khoải trước khổ đau, nhưng là Đấng được sai đến, Người đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Trong đoạn Tin Mừng thuật về thương khó, thánh Mátthêu đã trích dẫn nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước để diễn tả việc Đức Giêsu hoàn tất những gì các ngôn sứ loan báo, chứ không phải là một sự tình cờ, một tai nạn (x. Mt 26,31.56; 27,9-10.46). Người đến thế gian để hoàn tất kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa. Đức Giêsu đón nhận tất cả những thử thách và đau khổ vì yêu và để cứu độ nhân loại. Chỉ một mình Người mới có thể hoàn tất sứ vụ này. Quả vậy, Đức Giêsu đối diện với cuộc khổ nạn bằng sự khiêm nhu, tình yêu và lòng tha thứ cho những kẻ đang bách hại và giết Người: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người”(Mt 26,67), “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây gậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái! Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người”(Mt 27,28-30). Những lời của những kẻ qua đường và của các thượng tế, kinh sư cùng kỳ mục thực sự là những lời xúc phạm nặng nề đến Đức Giêsu, nhưng Người đã đón nhận trong tình yêu thương dành cho họ: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào! Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình”. Đức Giêsu biến cuộc khổ hình của mình thành món quà tình yêu dành cho Thiên Chúa và ơn cứu chuộc con người. Người vâng phục tuyệt đối Thiên Chúa Cha và đón nhận tất cả những khổ đau trong hành trình hướng tới sự phục sinh vinh hiển và hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Đau khổ có những ý nghĩa và giá trị tôn giáo của nó. Đau khổ không xuất phát từ Thiên Chúa nhưng người ta có thể đón nhận đau khổ vì Thiên Chúa và vì tha nhân. Do đó, Người Tôi Trung không tránh né đau khổ. Người Tôi Trung sẽ sẵn sàng chịu những đau khổ và cả sỉ nhục khinh khi; lý do có thể là vì ngài không chấp nhận thỏa hiệp với thế gian, với tội lỗi, không muốn đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa. Với tư cách là người môn đệ, ngài đã chấp nhận lội ngược dòng như thế thay cho người khác và vì người khác, cùng với việc lấy lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa và lấy Lời ấy nâng đỡ những ai khổ đau kiệt sức. Đức Giêsu, là Người Tôi Trung đích thực, đã mang lấy tất cả những đau khổ về thể xác và tinh thần của nhân loại vào chính bản thân mình khi bị chết treo trên thập giá. Kết hợp với Đức Giêsu qua cuộc thương khó của Người trong Tuần Thánh này, chúng ta sẽ được xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần và tìm thấy được ý nghĩa của nó: đau khổ có sức biến đổi bản thân và đem lại niềm vui cứu độ cho người khác.
2. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết… Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người”. Đó là cách thức của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Ađam và những dân thành Baben là những phàm nhân nhưng đã muốn được ngang hàng với Thiên Chúa. Hệ quả là họ đã bị trừng phạt, sống trong tình trạng nô lệ của tội lỗi. Trong Tân Ước, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa thì lại tự hạ mình xuống làm một phàm nhân, và hạ mình tới mức tột cùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Hệ quả là Người đã được Thiên Chúa siêu tôn đến mức tột đỉnh của vinh quang. Chính nhờ hành động này của Đức Giêsu Kitô, nhân loại được biến đổi tận căn: vốn dĩ là tội lỗi nay trở thành trong sạch, vốn dĩ là bất chính nay trở thành công chính, nếu biết tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô. Thông thường, chúng ta bị cám dỗ muốn nâng mình lên địa vị cao trọng theo cách của Ađam và dân thành Baben. Tuy nhiên, con đường Đức Giêsu đã đi qua là mẫu gương cho chúng ta noi theo, đó là tự hạ mình xuống để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn nơi cuộc đời của mình; nhờ đó, chúng ta sẽ được tôn vinh với Đức Giêsu trong ngày sau hết.
3. “Đã đến giờ Con Người bị nộp”. Lý do của việc trao nộp có thể khác nhau: vì tiền tài hay một mưu mô ép Thầy mình vào đường cùng để hành động như trường hợp của Giuđa; vì lòng ghen ghét, loại trừ Đức Giêsu nhưng lại nhân danh Thiên Chúa như trường hợp của các Thượng tế và kinh sư; vì muốn an vị và củng cố quyền lực như trường hợp của Philatô; vì vô cảm, cứng lòng, chậm tin hay không tin như trường hợp của đa số dân chúng. Đối với Thiên Chúa thì lại khác: biến cố thập giá Đức Giêsu xảy ra là vì tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã dành cho nhân loại; và nhất là vì Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận thánh ý Chúa Cha để chết cho muôn người được sống.
Có thể chúng ta tức giận trước hành vi của Giuđa, bực mình trước hành động của các nhà lãnh đạo do thái, hay trách cứ trước thái độ của Philatô. Tuy nhiên, có khi nào chúng ta hối hận về thái độ của chính mình vì có thể chúng ta đã “nộp” Đức Giêsu cách nào đó, nhiều lần trong đời sống? Thử hỏi vì lý do nào mà chúng ta đã khước từ Đức Giêsu, có phải vì tiền tài, ghen ghét, tham quyền, muốn an vị, hay vì vô cảm không tin? Chúng ta có nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua biến cố thập giá Đức Giêsu hay không?
Cuộc thương khó của Đức Giêsu là thời điểm để thấy rõ gương mặt thật của mỗi người trước Đức Giêsu: đối với tôi, Đức Giêsu là ai, để dẫn tới một thái độ đúng đắn và một chọn lựa tận căn trong đời sống? Chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng Cứu thế của đời mình, hầu có thể kết hợp những đau khổ của cuộc sống với con đường thập giá của Người, do tin rằng con đường thập giá ấy vượt qua sự chết để dẫn tới sự sống; nhờ đó, chúng ta sẽ được phục sinh và tôn vinh như Người?
4. “Ta có thể cảm nghiệm được niềm vui vợ chồng ngay giữa lúc đang buồn phiền” (Tông huấn Amoris Laetitia // Niềm Vui Yêu Thương, số 126). Cũng trong số này, ĐGH Phanxicô lưu ý rằng chính trong sự liên kết vui mừng và cơ cực, căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ và giải thoát, thỏa mãn và tìm kiếm, khó chịu và khoái lạc mà có hôn nhân (x. số 126). Năm nay Hội Thánh đặc biệt dành công việc mục vụ cho đời sống gia đình, nhất là cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Các cặp vợ chồng có biết noi gương theo Đức Giêsu để vượt qua những đau khổ hầu đạt tới hạnh phúc trong tình yêu, một tình yêu được thúc đẩy theo mẫu mực của tình yêu mà Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh đã dành cho nhau, bằng cách “chăm sóc và phục vụ lẫn nhau” (Gaudium et Spes, số 50)?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi chúng ta can đảm bước theo Đức Giêsu trên con đường thương khó để hướng tới vinh quang phục sinh. Cộng đoàn chúng ta hãy ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Đức Giêsu là người tôi trung của Thiên Chúa được sai đến để cứu độ dân Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các mục tử trong Hội Thánh luôn trung thành với sứ vụ Chúa trao, dám đương đầu với mọi khó khăn chống đối để bảo vệ và nuôi dưỡng đức tin tinh tuyền cho dân Chúa.
2. Đức Giêsu đón nhận tất cả những thử thách và đau khổ vì yêu thương con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ hồn xác biết can đảm đón nhận hoàn cảnh và những khó khăn hiện tại, để được thông phần vào hiến tế của Chúa Kitô hầu mang lại ơn thánh hóa cho bản thân và mọi người.
3. Đức Giêsu dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh qua việc tích cực tham dự những cử hành trong Tuần Thánh này, để được củng cố đức tin và gia tăng sức mạnh cho đời sống đạo.
4. Đức Giêsu đã hạ mình mang lấy thân phận người phàm vì vâng phục Chúa Cha. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết theo gương Thầy Chí Thánh, luôn ưu tiên tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong đời sống hằng ngày qua việc quan tâm chia sẻ và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của tha nhân.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá và sống lại để cứu chuộc chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức, để chúng con luôn trung thành theo bước Người trên con đường thập giá hướng về Giêrusalem trên trời. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
NGUỒN : ỦY BAN THÁNH KINH /HDGMVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét