Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

01.10.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM:  SỐNG LỜI CHÚA
              Với ơn Chúa soi sáng, với những suy tư và với chính cuộc đời của mình, Têrêsa đã tìm ra cách sống của những tâm hồn bé nhỏ. Ngài viết: “Ở bé nhỏ là không coi những nhân đức mình luyện tập được như là của mình. Không nghĩ tự mình có thể làm được việc gì, nhưng nhận biết rằng Chúa đã đặt kho tàng đó trong bàn tay người con nhỏ để sử dụng khi cần. Sự thánh thiện không hệ tại làm việc đạo đức nay hay việc đạo đức kia, nhưng hệ tại ở tâm tình bên trong làm ta trở nên khiêm nhường và bé nhỏ”.
              Trong Phúc Âm chính Chúa đã nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào Nước Trời. Và: Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Nói đến trẻ nhỏ là chúng ta nghĩ ngay tới một cái gì đơn sơ và trong trắng, tin yêu và phó thác. Chính vì thế, noi gương thánh nư, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, suy gẫm và thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhất là sống tinh thần ấu thơ trong tin yêu và phó thác, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa yêu thương và chúc phúc.
NGUỒN: SUY NIỆM  MỖI NGÀY

01.10.2018 - THỨ HAI TUẦN XXVI TN - B

Thứ hai tuần 26 Thường Niên.
 Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. 
Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.
                  BÀI ĐỌC I: Is 66, 10-14c
          "Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".
                 Bài trích sách Tiên tri Isaia.
            Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa". Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3
 Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
 1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
 2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.
 3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.
 ALLELUIA: x. Mt 11, 25
 All. All. - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

BẢN TIN - CN XXVI TN - B

GIÁO XỨ TÔI
GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
BẢN TIN GIÁO XỨ
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - NĂM B

1. Xin cảm ơn các đoàn thể. ca đoàn và cá nhân đã có những quầy Ẩm thực cho các em thiếu nhi Vui Trung Thu năm nay thật hoành tráng.

2. Thứ Hai 01.10 là tháng Mân Côi. Xin Ban Điều hành các giáo họ phát động: Tháng Mân Côi cùng với Mẹ Maria đi đến các gia đình để Lần Chuỗi Mân Côi.

3. Thứ Hai 01.10, xin chúc mừng quí bà, quí chị em có tên Thánh là Têrêsa. Đặc biệt, xin chúc mừng Giáo họ Têrêsa mừng bổn mạng trong Thánh lễ chiều thứ Hai lúc 17g30.
Kết quả hình ảnh cho hình thánh têrêsa hài đồng giêsu

4. Sáng thứ Năm đầu tháng, Cha Sở và Cha Phó đi thăm gần 100 bệnh nhân từ 7g30 đến 12 giờ trưa. Xin anh Cộng, anh Tài, anh Lâm và Anh chị em Caritas cùng đi với quí Cha. Xin các bệnh nhân không cần giữ chay để chịu lễ.

5. Thứ Năm đầu tháng, lúc 15g00 có Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót.

6. Thứ Sáu đầu tháng tuần nầy, lúc 9g30 có Thánh lễ cầu cho người cao niên, người bệnh và cầu cho các linh hồn nơi phòng hài cốt. Kính mời Ban Điều hành các giáo họ, Ban Caritas, Hội Legio đưa các bệnh nhân và người cao niên tham dự Thánh lễ, có nghi thức xức dầu bênh nhân.

7. Trước Thánh lễ chiều thứ Sáu đầu tháng có giờ Chầu Thánh Thể do GĐ.PTTT và ca đoàn phụ trách.
8. Trước Thánh lễ chiều thứ Bảy đầu tháng có giờ Chầu Thánh Thể và buổi họp của Hội Hiền Mẫu phụ trách.
CHA SỞ GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
Ảnh đức mẹ Maria đẹp mân côi fatia linh thiêng 10

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

30.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Quyền nhân danh Chúa
                     Bảo vệ quyền lợi là một khuynh hướng chúng ta có thể tìm thấy ngay cả ở những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Thực vậy, trong Cựu Ước, Giosuê, người tuỳ tùng của Maisen đã muốn dành ơn nói tiên tri cho một số thân tín của mình mà thôi. Con trong Tân Ước, các tông đồ đã ngăn cấm những kẻ không thuộc nhóm 12 của các ông được nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thái độ của Gioduê và của các tông đồ đã tỏ lộ một cái nhìn hẹp hòi và cục bộ về quyền năng của Chúa được ban cho các ông. Các ông đã chủ quan mà nghĩ rằng: Quyền năng các ông có trong việc trừ quỷ là do thuộc về nhóm Mười Hai và được Chúa tuyển chọn. Các ông quên rằng mình đã trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu, chứ không phải tự khả năng của bản thân mình. Như vậy Chúa Giêsu đã bị che khuất, hay đúng hơn đã bị giới hạn bởi cái đầu óc phe nhóm và bè phái. Thế nhưng, Thiên Chúa không muốn người ta đóng khung quyền năng của Ngài, cũng không muốn để ai chiếm lấy quyền năng đó làm của riêng. Trong Phúc Âm,
               Chúa Giêsu đã giúp các môn đệ nhận ra sự thật, Ngài nói: Không ai nhân danh Thầy làm phép lạ, rồi lại có thể nói xấu Thầy. Các tông đồ có thể trừ được quỷ, không phải nhờ ở việc các ông thuộc về nhóm Mười Hai, mà chính là nhờ danh Chúa Giêsu, nhờ ở quyền năng của Thiên Chúa. Như thế, nhân danh Chúa Giêsu mà làm phép lạ và truỳ quỷ, tức là đã tin vào Ngài. Và một người đã làm được các phép lạ nhờ ở một lòng tin, sẽ không thể quay lưng chống lại Ngài. Như thế, quyền năng người ta có được là do lòng tin ở Chúa, chứ không phải do bất cứ tước hiệu nào người ta mang lấy. Sở dĩ các tông đồ làm được viêc nọ việc kia cũng là do bởi đã tin vào Chúa và đã thuộc về Ngài. Phêrô sau này đã hiểu rõ bài học trên đây của Chúa Giêsu, khi ông đứng trong sân đền thờ và chữa lành cho người bất toại.
                 Ông nói: Chính nhờ tin vào danh Đức Kitô mà anh này, như quý vị đã thấy, được làm cho vững mạnh. Và thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Côrintô cũng đã lập luận: Vậy những kẻ thuộc về Ngài thì hành động như Ngài, cũng thế, những kẻ hành động như Ngài thì thuộc về Ngài. Để giúp các ông loại bỏ óc bè phái vị lợi, cũng như để giúp các ông biết tôn trọng những người đã tin ở Ngài, Chúa Giêsu xác quyết: Một việc làm nhỏ đối với những người tin, dù chỉ là cho đi một ly nước lã, cũng đáng được ân thưởng. Trái lại, làm cớ vấp phạm cho một kẻ bé mọn, đã tin vào Chúa, thì cũng đáng bị xô xuống biển. Là những người tín hữu, chúng ta có biết thực sự cộng tác với nhau, để danh Chúa mỗi ngày một cả sáng và Nước Chúa mỗi ngày một rộng mở hay không
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY

30.9.2018 - CHÚA NHẬT XXVI TN - B

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B.
                 BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25-29
         "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri".
                Bài trích sách Dân Số.
          Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy. Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: "El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại". Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: "Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Môsê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ". Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14
 Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
 2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
 3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.
 4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.
                    BÀI ĐỌC II: Gc 5, 1-6
         "Của cải các ngươi bị mục nát".
                    Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
           Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi. Ðó là lời Chúa.
 ALLELUIA: Ga 15, 15b
 All. All. - Chúa phán: " Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

29.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Các Tổng Lãnh Thiên Thần – Cộng Đồng Siêu Việt
                     Nathanael ngạc nhiên khi thấy Đức Giê-su biết rõ ông dù hai người chưa gặp nhau bao giờ, thế mà lần thứ nhất thấy ông, Người đã thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm tư ông : “Lòng dạ ông không có gì gian dối”. “Tôi đã thấy anh rồi”
             Chúng ta ở với Đức Giê-su Ki-tô nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong những cơn gian nan khốn khó suốt trên đường đời, Đức Giê-su luôn nhìn chúng ta, theo dõi chúng ta. Nathanael, trong ông: “không có gì gian dối”. Ông đã nhận được ơn mặc khải về tình yêu của Chúa đang hoạt động trong ông. “Tôi đã thấy anh trước rồi” nhưng “Anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”... Ông đã tin và được hứa cho thấy rõ ràng, sáng suốt một viễn tượng mới về các thực thể với muôn vật. Và “Anh sẽ thấy trời mở rộng”. Đức Giê-su đã đến : và từ nay trời với đất được hiệp thông với nhau. “Thiên Thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người” 
               Những sứ giả của Thiên Chúa Ngày nay chúng ta không còn quen nhiều với các Thiên Thần nữa , ngay cả tên các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-e, Gabriel và Raphael. Chúng ta nhưng hơn cả là Thiên Thần Gabriel trong việc truyền tin : Ngài đã được sai đến với Đức Ma-ri-a để báo tin đầy ơn phúc cho Đức Ma-ri-a, theo Kinh Thánh, các Thiên Thần được dựng lên để chầu chung quanh Thiên Chúa và đưa lời Chúa.
                  Các Thiên Thần còn hướng dẫn chúng ta ngợi khen Thiên Chúa và vâng lời Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, các Ngài can ngăn chúng ta khỏi co dúm, cuộn mình lại trong chiều kích thấp hèn hư nát của tạo vật, nhắc nhở chúng ta thuộc một cộng đồng siêu việt cao cả, hoàn toàn hướng lên Đức Ki-tô, trong ngôi vị của Con Người là đường dẫn lên Thiên Chúa, đang mở ra trước mắt chúng ta một trời mới, đất mới lớn lao vô cùng : chúng ta có biết lắng nghe tiếng các thiên thần tuyên dương ca tụng Thiên Chúa không? Một liên kết mới giữa chúng ta và Thiên Chúa, phúc cho ai thấy và sống trong tình liên kết đó. Tôi yêu chuộng một thứ vũ trụ đông đảo các Thiên Thần hơn cả cái vũ trụ trống rỗng và lạnh ngắt đang ở trước mắt chúng ta.
                Các Thiên Thần sống hòa hợp với Thiên Chúa tuyệt vời hơn là loài người được Đức Ki-tô đưa về sống với Thiên Chúa.
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY

29.9.2018 - THỨ BẢY TUẦN XXV TN - B

Thứ bảy tuần 25 Thường Niên. 
CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MI-CA-EN, GÁP-RI-EN, RA-PHA-EN. Lễ kính.
                 BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14
         “Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người”.
                 Bài trích sách Tiên tri Đaniel.
           Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra. Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
 Đáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).
 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
 2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
 3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: “Thực vinh quang của Chúa lớn lao!”
 ALLELUIA: Tv 102, 21
 All. All. - Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

28.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Thầy Là Ðức Kitô
                     Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người.
                Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị. Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài. Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa. (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

28.9.2018 - THỨ SÁU TUẦN XXV TN - B

Thứ sáu tuần 25 Thường Niên.
                    BÀI ĐỌC I: Gv 3, 1-11
           "Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng".
                    Bài trích sách Giảng Viên.
             Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình. Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng. Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4
 Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)
 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
 2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.
 ALLELUIA: Tv 94, 8ab
 All. All. - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

27.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Dấu hỏi cho người khác
                     Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế",
            Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn. Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài,
             Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu. "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời. Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.
                Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

27.9.2018 - THỨ NĂM TUẦN XXV TN - B

Thứ năm tuần 25 Thường Niên.
 Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
                    BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2-11
          "Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời".
                    Bài trích sách Giảng Viên.
            Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân. Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời? Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời. Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên. Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ. Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi. Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai có thể cắt nghĩa tại sao. Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng không thoả. Sự đã qua là gì? Chính nó là sự sẽ có. Sự đã xảy ra là gì? Chính nó là sự sẽ xảy ra. Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời, cũng chẳng ai nói được rằng: "Ðây cái này mới". Vì nó đã có từ lâu đời trước chúng ta. Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
 Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
 2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.
 3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
 4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
 All. All. - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

26.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Huấn Lệnh Truyền Giáo
                     Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm.
                    Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng. So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần:
                    Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa.
                   Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa.
                   Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông. Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin.
                   Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng. Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã". Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình.
                    Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.
( Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

26.9.2018 - THỨ TƯ TUẦN XXV TN - B

Thứ tư tuần 25 Thường Niên.
                     BÀI ĐỌC I: Cn 30, 5-9
            "Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ".                         Bài trích sách Châm Ngôn.
              Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163
 Ðáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
 1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.
 2) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
 3) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.
 4) Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài.
 5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà.
 6) Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài
 ALLELUIA: 1 Ga 2, 5
 All. All. - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

25.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa.
                     Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: "Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài. Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng.
                     Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm. Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa. Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha.
                      Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

25.9.2018 - THỨ BA TUẦN XXV TN - B

Thứ ba tuần 25 Thường Niên.
                    BÀI ĐỌC I: Cn 21, 1-6. 10-13
            "Những câu Cách Ngôn khác nhau".
                   Bài trích sách Châm Ngôn.
              Lòng vua ở trong tay Chúa, như những dòng nước chảy, Người muốn hướng nó về đâu tuỳ ý Người. Mọi đường lối của người ta đối với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân nhắc tâm can. Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ. Mắt tự cao là lòng kiêu ngạo: đèn kẻ gian ác là tội lỗi. Toan tính người cần mẫn luôn dẫn tới sự dồi dào, còn mọi kẻ biếng nhác luôn gặp nghèo khó. Ai dùng lưỡi gian dối thu tích kho tàng, là người hư hốt vô tâm, nó sẽ rơi vào lưới sự chết. Tâm hồn người tội ác mơ ước sự dữ, nó không thương xót người lân cận. Khi kẻ hung bạo bị sửa phạt thì người bé nhỏ sẽ khôn ngoan hơn, và nếu nó theo người khôn ngoan, nó sẽ được thông minh. Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ. Ai bịt tai không nghe tiếng người nghèo khó, thì lúc chính nó kêu cầu, cũng chẳng ai nghe. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 118, 1. 27. 30. 34. 35. 44
 Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài (c. 35a).
 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.
 2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.
 3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài.
 4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó.
 5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.
 6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.
 ALLELUIA: Tv 118, 18
 All. All. - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

24.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Ngọn Ðèn Ðức Tin
                     Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ.
                     Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không? Thánh Giacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?
                      Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.
                      Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người.
                      Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

24.9.2018 - THỨ HAI TUẦN XXV TN - B

Thứ hai tuần 25 Thường Niên.
 Ngày Trung Thu. Cầu cho thiếu nhi.
                       BÀI ĐỌC I: Cn 3, 27-34
              "Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối".
                       Bài trích sách Châm Ngôn.
                Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm.
               Con chớ nói với người bạn của con rằng: "Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi", khi con có thể cho ngay. Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con, khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối, và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó nghèo, còn nhà người công chính sẽ được chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng những kẻ gian dối, và ban ơn cho những kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang, nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.] Ðó là lời Chúa.
   ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
 Ðáp: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
 2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
 3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
 ALLELUIA: Gc 1, 21
 All. All. - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

GXTĐ: BẢN TIN TUẦN 25TN B

GIÁO XỨ TÔI
GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
        BẢN TIN GIÁO XỨ
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

     1. Xin cảm ơn một số cá nhân đã dâng cho nhà thờ một số tiền để làm ngăn phòng giáo lý, sân bãi và hệ thống điện bên trong núi đá Đức Mẹ.

      2. Thánh lễ chiều thứ Hai 24.9.2018, sẽ dời lại trễ hơn nửa giờ, tức là lúc 18g00, để Vui Trung Thu với các cháu thiếu nhi. Xin cám ơn các đoàn thể đã cho các cháu những quầy ẩm thực mừng Trung Thu.



     3. Hôm nay, các huynh trưởng cầm giỏ để xin cộng đoàn giúp đỡ mừng lễ TrungThu.


     4. Thứ Bảy 29.9.2018, Thánh lễ mừng kính các Tổng lãnh Thiên Thần, cũng là Bổn mạng Ban Lễ sinh Giáo xứ. Kính mời các đoàn thể và cộng đoàn tham dự Thánh lễ lúc 5g00 sáng để cầu nguyện cho các em.
Cha Sở Giáo xứ Thủ Đức

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

23.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM  Phục vụ,
              Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đưa ra một sự trớ trêu và sự trớ trêu này lại do chính các môn đệ, là những người thân yêu của Chúa gây nên. Thực vậy, một lần nữa Chúa Giêsu dạy riêng các môn đệ về con đường thực hiện sứ mạng của Ngài:
              Con Người sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Và lần này cũng như lần trước, các môn đệ đã tỏ ra không hiểu, thế nhưng rút kinh nghiệm lần trước, không một ai đã lên tiếng góp ý. Điều trớ trêu và mỉa mai ở đây đó là chính lúc Chúa Giêsu muốn cho các ông hiểu về con đường đau khổ và thập giá mà Ngài phải trải qua để tiến đến vinh quang phục sinh, thì các ông lại nghĩ đến địa vị, đến chỗ đứng. Các ông tranh luận với nhau xem ai lớn hơn ai. Như những người Do Thái khác, các ông vẫn quan niệm về một vị cứu tinh trong phạm vi chính trị, sẽ lật đổ ách nô lệ của đế quốc Lamã, giải phóng dân tộc, đem lại tự do và sự phồn thịnh cho đất nước. Và nếu vị cứu tinh nhân dân đang mong đợi dó chính là Chúa Giêsu, bậc thầy của các ông, thì quả thật, các ông là những người may mắn, vì sẽ được ban cho những chỗ đứng, những địa vị cao trọng trong vương quốc của Ngài.
               Tin Mừng cho thấy là những cuộc tranh luận này, hay những vụ tranh giành ngôi thứ vẫn thường xảy ra giữa các môn đệ, cho tới ngày Chúa bị nộp và bị giết. Trong bài học Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, Ngài đã muốn đảo lộn cái nhìn và cách đánh giá của các ông. Trong cái nhìn và cách đánh giá của Chúa Giêsu, thì người lớn nhất lại không phải là người ngồi vào chỗ cao nhất, trên tất cả mọi người, nhưng là người rốt hết, là kẻ tôi đòi của mọi người. Như thế, con người được đánh giá không phải ở địa vị, ở quyền cao chức trọng mà là ở khả năng phục vụ. Và con đường dẫn tới vinh quang chính là con đường phục vụ mọi người. Bài học đó, Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chính bản thân của Ngài.
                  Là Con Thiên Chúa, Ngài đã không dành chỗ nhất trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn con đường yêu thương phục vụ, trở thành hữu ích đối với kẻ nghèo khổ, đói khát, bệnh tật và bị áp bức. Ngài trở nên hữu ích bằng cách chỉ cho họ tình thương của Chúa. Cứu chữa họ, giải phóng họ, trả lại cho họ quyền lợi và chỗ đứng trong xã hội và tôn giáo. Ngài đã đi cho đến cùng con đường yêu thương phục vụ của Ngài như lời Ngài đã phán. Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Cái chết và đau khổ chính là cái giá Ngài phải trả cho sự chọn lựa này.
                  Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết chấp nhận đau khổ và thập giá, nhất là chúng ta có hết can đảm bước vào con đường dấn thân và phục vụ anh em như Chúa Giêsu ngày xưa hay không?
NGUỒN: SUY NIỆM  MỖI NGÀY

23.9.2018 - CHÚA NHẬT XXV TN - B

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B.
                       BÀI ĐỌC I: Kn 2, 12. 17-20
             "Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".
                       Bài trích sách Khôn Ngoan (Những kẻ gian ác nói rằng:)
             "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!". Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
 Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.
 2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.
 3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
                           BÀI ĐỌC II: Gc 3, 16 - 4, 3
                 "Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình".                               Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
                  Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình. Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em. Ðó là lời Chúa.
 ALLELUIA: Ga 8, 12
 All. All. - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

22.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Dụ Ngôn Người Gieo Giống
                  Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe, để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn trình bày. Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
                 Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.
                 Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
                  Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

22.9.2018 - THỨ BẢY TUẦN 24 TN - B

Thứ bảy tuần 24 Thường Niên.
                    BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 35-37. 42-49
           "Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".
                    Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
            Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng. Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 55, 10c-11. 12-13
 Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi.
 2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.
 ALLELUIA: Tv 118, 34
 All. All. - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

21.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Kêu gọi người tội lỗi
               Người làm công lau kiếng mà chỉ nhận lau những tấm kiếng sạch thì quả là một người đãng trí, một cơ quan từ thiện bác ái mà chỉ đi giúp cho những người giàu có thì quả là một trò hề đáng trách; một nhà thương mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được.
                Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tội lỗi tên là Lêvi (sau này là tông đồ Mátthêu) theo Chúa nhắc chúng ta nhớ lại sự thật: Chúa Giêsu không còn là Chúa, là Ðấng cứu thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa. Lời xác nhận của Chúa Giêsu không ngừng vang dội và mang lại hy vọng cho con người. Ai là kẻ công chính hoàn toàn vô tội trước nhan Thiên Chúa đến độ không cần tới ân sủng của Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót, giàu lòng từ ái, chậm bất bình và hết sức khoan dung nhưng chúng ta đừng vì đó mà lạm dụng và ngồi lì trong tật xấu, trong những tội lỗi của mình. Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi để chữa lành, để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, được sống trong tự do thật của những con cái Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa là Ðấng yêu thương vô cùng và quyền năng vô biên mới có thể đối xử đại lượng được như vậy với những tật xấu, những tội lỗi của con người.
                  Lạy Chúa, Con cảm tạ Chúa vì đã thương con, đã cho con nhiều dịp canh tân đời sống. Xin cho con khiêm tốn mở rộng tâm hồn đón nhận sự tha thứ của Chúa và cũng đừng có thái độ giả hình hẹp hòi muốn Chúa trừng phạt thẳng tay những tội lỗi của anh chị em chung quanh, không phải vì con sốt sắng muốn bảo vệ Chúa nhưng có thể là vì con ganh tị muốn trả thù anh chị em, không muốn anh chị em được ơn ăn năn trở lại và nhận sự tha thứ của Chúa. Xin cho con có tâm hồn quảng đại như Chúa, biết vui mừng với Chúa vì người anh chị em đã xa lìa Chúa nay ăn năn trở về.
                   Lạy Chúa, Xin tình thương đầy sức mạnh tha thứ của Chúa tác động nơi con và nơi mọi anh chị em.
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY

21.9.2018 - THỨ SÁU TUẦN XXIV TN - B

Thứ sáu tuần 24 Thường Niên.
 THÁNH MÁTTHÊU, TÔNG ĐỒ, THÁNH SỬ. Lễ kính.
                      BÀI ĐỌC I: Ep 4, 1-7. 11-13
            “Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô”.
                      Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
              Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người. Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Đức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Đức Kitô viên mãn. Đó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
 Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.
 2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
 ALLELUIA:
 All. All. - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

20.9.2018 - THỨ NĂM TUẦN XXIV TN - B

Thứ năm tuần 24 Thường Niên.
 Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.
                  BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-11
          "Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".
                  Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
           Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích.
            Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.
             Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28
 Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).
 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".
2 ) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
 3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. ALLELUIA: Tv 118, 135
 All. All. - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

20.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



Suy niệm: YÊU và  THỨ THA
            Là người phụ nữ tội lỗi đầy tai tiếng, thế mà chị cả gan xuất hiện giữa bữa tiệc, lại còn gây “sốc” cho các thực khách qua cử chỉ khóc lóc, đổ dầu thơm, rồi lấy tóc lau chân Đức Giê-su.
            Chị lại phạm một điều cấm kỵ là xoã tóc nơi đám tiệc, điều mà không phụ nữ Do Thái con nhà lành nào dám làm nơi công cộng. Các thực khách bị “sốc” vì họ chỉ nhìn thấy bên ngoài. Còn Đức Giê-su thì hiểu rõ những diễn biến sâu xa nơi tâm hồn chị. Ngài hiểu rằng chị không thể cưỡng lại cảm xức mãnh liệt, niềm vui oà vỡ khi cảm nếm một tình yêu quá lớn, vì mọi tội lỗi tày trời của mình được tha thứ.
            Hình như khi được yêu và đang yêu, người ta có thể làm mọi sự để diễn tả tình yêu ấy, không chút dè giữ.
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

19.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán
                   Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.
                   Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi. Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng.
                     Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

19.9.2018 - THỨ TƯ TUẦN XXIV TN - B

Thứ tư tuần 24 Thường Niên.
                     BÀI ĐỌC I: 1 Cr 12, 31 - 13, 13
             "Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".
                     Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
                Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi. Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.
                 Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22
 Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
 2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
 3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
 ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a
 All. All. - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

GXTĐ: SỰ KIỆN SẮP TỚI.

GIÁO XỨ TÔI
GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
SỰ KIỆN SẮP TỚI
Trích Thông Cáo Tuần 24 TN - B
   3. Những em của Giáo xứ thi đậu vào Đại học năm nay, xin báo lại cho Anh Phúc tu sinh, để Giáo xứ lên chương trình dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và chúc mừng những bạn Tân Sinh Viên.
    4. Thứ Hai tới, là ngày Tết Trung thu của các em Thiếu nhi. Xin các đoàn thể, các cá nhân, ân nhân,   giúp cho các cháu Thiếu nhi những quầy ẩm thực vui Trung thu. Tuần sau, xin cộng đoàn thương giúp đở một ít hiện kim để đoàn Thiếu nhi có thể tổ chức chương trình Trung thu năm nay.


Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

18.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống
              Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
                Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết. Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả". Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết.
                     Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.                                 Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

18.9.2018 - THỨ BA TUẦN XXIV TN - B

Thứ ba tuần 24 Thường Niên.
                  BÀI ĐỌC I: 1 Cr 12, 12-14. 27-31a
         "Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chi thể".
                  Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
           Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy.
          Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
 Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá.
 2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
 3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
 4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.
 ALLELUIA: Mt 11, 25
 All. All. - Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

17.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



SUY NIỆM: Sức Mạnh Của Lời Chúa
                  Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản. "Xin Ngài chỉ nói một lời". Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: "Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị".
                  Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta. Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin.
                  Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người. Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ. Nguyện xin Chúa, Ðấng nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban sức mạnh, để chúng ta can đảm sống và nói lời Ngài, nhờ đó những người xung quanh nhận ra phép lạ của Ngài.
 (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

17.9.2018 - THỨ HAI TUẦN 24 TN - B

Thứ hai tuần 24 Thường Niên.
                       BÀI ĐỌC I: 1 Cr 11, 17-26
             "Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa".
                       Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
               Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em.
                 Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau. Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
 Ðáp: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26b).
 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".
 2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.
 3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
 4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Người.
 ALLELUIA: Gc 1, 18
 All. All. - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - All.
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

16.9.2018 - CHÚA NHẬT XXIV TN - B

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B.
                    BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a
           "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi".
                    Bài trích sách Tiên tri Isaia.
             Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi? Ðó là lời Chúa.
 ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
 Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
 2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"
 3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
 4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.
                           BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18
                "Ðức tin không có việc làm là đức tin chết".
                           Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
                  Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Ðó là lời Chúa.
 ALLELUIA: Ga 14, 5
 All. All. - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - All
NGUỒN: UBPV/HĐGMVN

16.9.2018 - SUY NIỆM LỜI CHÚA



TIN và THEO
                  Tin trước tiên là tin ở một con người. Không chỉ là biết con người đó là ai, biết một cách chung chung, khách quan theo lý lịch hay qua một sự điều tra có tính cách khoa học, mà chính là biết được người đó là gì đối với chính bản thân và cuộc đời của mình.
                   Như thế, tin đích thực không chỉ là thái độ của trí óc mà còn là thái độ của con tim. Trong lòng tin của người Kitô hữu, con người đó chính là Chúa Giêsu. Vì thế, qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không hỏi các tông đồ phải bình luận những điều Ngài giảng dạy đúng hay sai, cũng như nói lại những gì các ông đã thu hoạch được trong giáo huấn của Ngài. Nhưng chúng ta thấy Ngài yêu cầu các ông nói lên chính Ngài là ai. Các ông đã lặp lại ý kiến của các người khác về Ngài, nhưng Chúa Giêsu chưa cho thế là đủ, Ngài còn đòi các ông phải tự mình trả lời câu hỏi Ngài là ai.
                   Tin đối với người Kitô hữu, chính là tự đặt mình vào trong mối quan hệ với Đức Kitô và hành động theo những đòi hỏi của mối quan hệ này. Lòng tin của người Kitô hữu bao hàm một sự gắn bó với Đức Kitô như con đường của sự thật, của sự sống, bao hàm việc đi theo Ngài, dù phải ngang qua đau khổ và thập giá. Con đường Chúa Giêsu đã đi vốn là con đường thập giá. Như thế, chưa có thể gọi được là tin đích thực nếu như chưa có một sự biến đổi trong cuộc sống, chưa có những hành động kèm theo điều chúng ta tuyên xưng. Phêrô đã bị quở trách một cách nặng nề, bởi vì, mặc dầu ông đã tuyên xưng đúng Thầy của mình là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng chẳng những đã không đi theo Thầy, mà còn muốn ngăn cản Thầy đi con đường của Thầy. Chỉ có thái độ sống hay hành động mới chứng thực cho sự chân thật của lòng tin. Miệng nói mà chân tay không làm theo thì đúng là kẻ giả hình. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi Ngài gọi họ là những mả tô vôi. Nói một đàng, làm một nẻo, thì đúng là kẻ gian dối. Có những người rao giảng sự ưu tiên cho người nghèo, nhưng trong thái độ thì lại trọng người giàu, đi với người giàu, làm theo người giàu, và coi nhẹ người nghèo. Có kẻ lập luận thì xem ra tiến bộ lắm, nhưng hành động thì lại đầy tính cách bảo thủ, cha chú, độc đoán.
                     Những trường hợp như thế là một kinh nghiệm thường ngày của chúng ta và phải là một lời cảnh cáo đối với mọi người.
                     Một Phêrô cản ngăn Thầy mình đi Giêrusalem ngay sau khi tuyên xưng lòng tin nơi Thầy như đang còn tiềm ẩn trong thẳm sâu cõi lòng của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
NGUỒN: SUY NIỆM MỖI NGÀY